Lần đầu đến nhà chồng tương lai, mẹ chồng đã hỏi 3 câu thực tế, mẹ tôi nói: Đừng lấy chồng nữa!
01.
Mỗi cô gái khi bước chân vào chuyện tình yêu, chắc chắn sẽ phải trải qua giai đoạn khó khăn là ra mắt nhà bạn trai. Một số vượt qua chuyện này một cách nhẹ nhàng, kết hôn thuận lợi. Một số không thể vượt qua, dẫn tới chia tay. Những cô gái này dù muốn kết hôn nhưng không thể qua được “cửa ải” mẹ chồng, bị phản đối khi còn chưa kết hôn. Mẹ chồng con dâu tương lai vừa gặp đã gây chuyện là việc không hiếm.
Lần đầu đến nhà bố mẹ chồng, phản ứng đầu tiên của mẹ chồng, ở một mức độ nào đó sẽ đại diện cho ý kiến của bà đối với bạn. Nếu mẹ chồng thể hiện lòng hiếu khách, thông thường nghĩa là đã chấp nhận bạn, hy vọng bạn sẽ trở thành dâu con trong nhà. Ngược lại, nếu mẹ chồng tỏ ra thờ ơ, thường sẽ là phản đối và không muốn bạn kết hôn với con trai của họ.
Đương nhiên, mẹ chồng cũng có nhiều năm làm dâu nên sẽ không thể hiện quá thẳng thắn mà sẽ dùng cách khôn khéo hơn để nói lên quan điểm của mình. Chẳng hạn như sẽ kiểm tra con dâu tương lai bằng cách hỏi dò một số câu hỏi rất thực tế.
Mai đã trải qua một cuộc ra mắt nhà chồng tương lai mà sau khi trở về, cô nhận được lời khuyên của mẹ mình: “Đừng lấy chồng nữa!”
02.
Mai không có nhiều kinh nghiêm yêu đương. Sau tốt nghiệp Đại học, ở tuổi 24 và đã có công ăn việc làm, Mai mới quen bạn trai hiện tại.
Gia đình bạn trai không nghèo cũng không giàu, ở mức cơ bản, sống ở thị trấn nhỏ, bố là tài xế vận tải đường dài, mẹ là bà nội trợ, điều kiện kinh tế nói chung bình thường.
Điều kiện gia đình của Mai tốt hơn bạn trai một chút, cô là con gái duy nhất trong nhà, bố mẹ đều là nhân viên đơn vị biên chế sự nghiệp, từ nhỏ đã đối với con gái “nâng như nâng trứng”.
Gia đình bạn trai là 3 thế hệ sống chung. Ở nhà còn có 1 bà nội 80 tuổi, cần được chăm sóc và một cô em gái vẫn còn đi học. Gánh nặng của cả nhà gần như đổ lên vai bố chồng. Căn nhà hiện tại đang ở là nhà thổ cư, không phải chung cư cao cấp.
So sánh điều kiện gia đình 2 bên, rõ ràng so với nhà Mai, nhà bạn trai kém hơn rất nhiều. Nhưng Mai cảm thấy, yêu một người, không chỉ phụ thuộc vào việc điều kiện của người kia thế nào, mà phải xem người đàn ông đó đối với mình ra sao.
03.
Ngày đến Mai ra mắt bố mẹ chồng, mẹ chồng nấu cho cô một bàn thức ăn ngon, thoạt nhìn đối đãi khá chu đáo. Tiếp đó như thường lệ, mỗi cô gái lần đầu đến nhà chồng tương lai, sẽ gặp phải tình huống bị mẹ chồng “thẩm vấn”.
Mẹ chồng hỏi: “Bố mẹ cháu làm gì?”
Mai đáp: “Bố mẹ cháu đều làm trong cơ quan nhà nước. Mẹ cháu đã nghỉ hưu, bố cháu thì chưa.”
Mẹ chồng nhướng mày, hình như có chút hào hứng, lại nói: “Vậy tốt rồi. Bố mẹ cháu đều có lương hưu, sau này không cần con cái phải nuôi khi về già. Hai bác thì khác, không có lương hưu, tương lai còn phải dựa vào con trai…”
Mai nhất thời không biết trả lời thế nào, liền cười cười.
Mẹ chồng lại hỏi câu thứ hai: “Nhà cháu định yêu cầu sính lễ thế nào?”
Mai có chút lúng túng, nhưng lại không thể không trả lời, nên đáp: “Cháu cũng không biết. Cái này còn tùy thuộc vào ý của bố mẹ cháu”.
Mẹ chồng tiếp tục nói: “Đúng nhỉ? Bố mẹ cháu không cần con cái phải nuôi lúc về già nên chắc sẽ không để ý chuyện sính lễ lắm. Con gái ở chỗ bác mà đi lấy chồng, thường sính lễ nhà trai không nhiều, ngược lại bố mẹ nhà gái còn phải cho của hồi môn”.
“À, con gái ở đây được bố mẹ yêu chiều quá bác nhỉ”, Mai suy nghĩ 1 chút rồi trả lời.
“Cháu gái, cháu là con gái duy nhất trong nhà, vậy có biết làm việc nhà không?”, mẹ chồng lại hỏi.
“Không giỏi lắm ạ. Từ khi còn bé cháu đã tập trung vào việc học, lớn lên thì đi làm, bình thường đều là mẹ phụ trách”, Mai thành thật trả lời.
“Vậy cháu phải nhanh chóng học thôi. Con trai bác cũng như cháu, từ nhỏ đến lớn đều chưa từng làm việc nhà. Tương lai nếu 2 đứa kết hôn, không biết sẽ nấu cơm, chăm sóc gia đình thế nào đây”, mẹ chồng khẩn thiết nói, từng câu từng chữ đều nhấn mạnh vào điểm yếu của Mai.
Nhưng Mai là kiểu đơn thuần, cũng không để ý nhiều mấy câu mẹ chồng nói, chỉ đáp “vâng” 1 tiếng.
Về đến nhà, Mai càng nghĩ càng cảm thấy có gì đó không đúng. Mẹ chồng tương lai đối với mình vẻ ngoài như không có gì nhưng bên trong lời nói dường như có ẩn ý.
Mai dù sao cũng mới 24 tuổi, kinh nghiệm xã hội ít, trải nghiệm yêu đương không nhiều, rất nhiều chuyện chưa thể hiểu ngay được. Vì vậy, cô quyết định kể lại cho mẹ mình về lần ra mắt bố mẹ chồng tương lai này.
04.
Nghe con gái kể xong, mẹ Mai nói luôn: “Đừng kết hôn. Con gái, mẹ chồng này quá ghê gớm. Con gả vào nhà đó, sẽ chỉ khổ mà thôi!”
Dù sao mẹ Mai cũng là người từng trải, cũng từng làm con dâu của người khác nên bà quá hiểu rõ ý đồ trong lời nói của mẹ chồng Mai. Vì thế bà phân tích cho con gái hiểu về 3 câu hỏi của mẹ chồng và ý nghĩa thực sự đằng sau.
Thứ nhất: Tìm hiểu về hoàn cảnh của bố mẹ đằng gái là để hy vọng con dâu sau kết hôn sẽ toàn tâm toàn ý lo cho bố mẹ chồng khi về già, không chăm lo cho nhà đẻ nữa.
Mẹ chồng hỏi về nghề nghiệp của bố mẹ Mai, sau đó biết ông bà có lương hưu thì tỏ ra rất vui mừng, còn thể hiện mong muốn con dâu sẽ không chăm lo cho bố mẹ đẻ khi họ về già, còn nói mình già sẽ dựa vào con trai. Ý định thực sự là để cho Mai thấy rằng “nếu cô muốn kết hôn với con trai tôi, cô nên tập trung vào nhà chồng, bố mẹ đẻ nghỉ hưu tự lo được, không phải lúc nào cũng muốn chăm lo cho nhà đẻ”.
Rất nhiều người già cảm thấy, khi về già đều là dựa vào con trai nuôi dưỡng, không phải dựa vào con dâu. Nhưng trên thực tế, sau khi con trai kết hôn, còn có gia đình nhỏ phải nuôi, suy cho cùng, tài sản của con trai cũng chính là tài sản chung với con dâu, làm sao có thể nói không dựa vào con dâu?
Thứ hai: Hy vọng rằng nhà gái sẽ không đòi sính lễ, thậm chí nhà gái nên cho của hồi môn, bởi vì gia đình đằng gái có của ăn của để hơn.
Mẹ chồng hỏi như vậy, ý tứ chính là “nếu nhà cô đã không thiếu tiền, vậy thì đừng yêu cầu sính lễ linh đình, tốt nhất là nên cho con gái của hồi môn. Cải thiện được đời sống nhà chồng, đó mới là nàng dâu có năng lực”.
Thứ ba: Dù con gái có được bố mẹ đẻ nuông chiều từ nhỏ thì về nhà chồng phải học cách nấu cơm, làm việc nhà, chăm sóc chồng và gia đình chồng.
Mẹ chồng bảo Mai học làm việc nhà, chính là muốn cô chăm sóc con trai bà thật tốt. Con trai bà là đàn ông, là người làm việc lớn, còn phụ nữ làm việc nhà là tự nhiên. Được bố mẹ đẻ quá cưng chiều, sắp kết hôn còn không biết làm việc nhà, vậy thì không phải là một phụ nữ tốt, không phải là một người vợ có năng lực.
05.
Một phụ nữ đã có tuổi như mẹ chồng, cuộc đời từng chịu nhiều cay đắng nên khi tìm vợ cho con trai, bà muốn làm mọi thứ để bảo vệ lợi ích cho nhà mình.
Ra mắt nhà chồng, tưởng chừng như một việc rất bình thường nếu muốn tiến đến hôn nhân nhưng nhiều khi nó lại quyết định một cô gái có nên tiếp tục tình yêu của mình hay không. Bởi vì một khi đã kết hôn thì hạnh phúc hôn nhân lại không thể tách rời với những mối quan hệ với nhà chồng, đặc biệt là quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Phải học cách quan sát lời nói, nhìn thấu “tâm ý” của mẹ chồng, bạn có thể đánh giá được sơ bộ về cuộc hôn nhân sắp tới